Trong vài năm trở lại đây, ngoài việc chú ý đến dinh dưỡng trong thai kỳ, các bà mẹ còn quan tâm đến việc thai giáo. Thai giáo là quá trình vô cùng quan trọng mà bố mẹ cần thực hành cùng con yêu của mình để giúp con thông minh hơn và hoàn thiện nhân cách, tình cảm của bé từ sớm. Đồng thời qua đó còn giúp bé phát triển nhiều kỹ năng cần thiết ngay từ trong bụng mẹ. Nhưng vấn đề mà nhiều bà mẹ đặt ra là thai giáo như thế nào? Nên thực hiện từ tháng thứ mấy? Mời các mẹ cùng Kienthucviet tìm hiểu thai giáo là gì và các phương pháp thai giáo thích hợp cho bé yêu nhé!
Thai giáo là gì?
Thai giáo là quá trình giáo dưỡng thai nhi bao gồm việc nuôi dưỡng tốt và giáo dục tốt trước và trong suốt thai kỳ. Đây là phương pháp giúp điều chỉnh hoàn cảnh, tránh những kích thích, ảnh hưởng không tốt đến mẹ và thai nhi. Với mong muốn mang đến cho con yêu những điều tốt nhất, giúp con phát triển mạnh khỏe ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Thai giáo không chỉ giúp mẹ trở nên hạnh phúc mà còn giúp con yêu sinh hoạt nề nếp, ăn ngoan ngủ ngoan, hiểu chuyện và hợp tác với cha mẹ.
Vì sao cha mẹ cần thực hành thai giáo cho con?
Theo những quan sát và nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng “Trí tuệ của thế hệ sau rõ ràng chịu ảnh hưởng của các nhân tố trong thai kỳ”. Nếu các bậc cha mẹ áp dụng phương pháp thai giáo khoa học, đúng đắn sẽ kích thích sự phát triển đầy đủ 5 giác quan của thai nhi: vị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và thị giác. Không chỉ vậy, phương pháp này còn giúp hình thành đồng hồ sinh học cho trẻ bằng cách làm quen với nhịp ăn uống, thức ngủ ngay từ trong bụng mẹ.
Bên cạnh đó, một khảo sát trên 3.000 trẻ được áp dụng thai giáo từ trong bụng mẹ cũng cho thấy kết quả khả quan. Rằng các trẻ em này có chỉ số IQ và EQ cao hơn các bạn cùng trang lứa. Đây là một minh chứng cho sự thành công khi thai giáo tác động tích cực đến trẻ ngay từ trong bụng mẹ.
Ở châu Á, Nhật Bản là một trong những nước đề xướng thai giáo mạnh mẽ nhất. Tại các quốc gia khác nhau có những phương pháp thai giáo không giống nhau. Tuy nhiên, thực hành thai giáo nói chung đều hướng đến các mục đích sau:
- Đảm bảo môi trường trong và ngoài cơ thể mẹ tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi.
- Gắn kết tình cảm thân thiết giữa cha mẹ và con cái
- Phát triển trí não hoàn thiện cảm xúc cho bé từ trong bụng mẹ;
- Trang bị cho cha mẹ kiến thức, kỹ năng, thái độ trong việc nuôi dạy thai nhi, tạo tiền đề cho việc giáo dục trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Thời điểm nào tốt nhất để bắt đầu thai giáo?
Bé yêu ngay từ khi nằm trong bụng mẹ đã có thể phát triển nhiều giác quan, học ngôn ngữ và thậm chí là ghi nhớ.
Việc thai giáo thường được bắt đầu sớm từ khi mẹ có kế hoạch chuẩn bị có thai chứ không phải khi con đã phát triển trong bụng mẹ.
Để chuẩn bị một môi trường an toàn, lành mạnh cho con yêu, mẹ thường phải tiến hành làm xét nghiệm, tiêm phòng để tránh các bệnh truyền nhiễm trong quá trình mang thai. Đồng thời mẹ cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, bố mẹ có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi thích hợp để phôi thai có chất lượng tốt, mẹ cũng vững vàng đón con yêu chào đời.
Trong thời kỳ mang thai, thực hành thai giáo thường được chia thành các tam cá nguyệt (mỗi 3 tháng) và theo các mốc phát triển của trẻ.
3 tháng đầu
Vào tam cá nguyệt đầu tiên, việc thai giáo chủ yếu là giúp mẹ thư giãn, giữ tâm trạng vui vẻ, tích cực để vượt qua giai đoạn thai nghén. Lúc này mẹ đã bắt đầu có thể nghe nhạc, chuẩn bị phòng ốc sạch sẽ, thăm khám, nghỉ ngơi để tạo môi trường tích cực cho việc hình thành nước ối.
3 tháng giữa thai kỳ
Bố mẹ thực hành các bài thai giáo thính giác, thị giác và thai giáo vận động thông qua cách trò chuyện mỗi ngày, cho bé xem tranh, tập yoga.
3 tháng cuối
Là lúc thai nhi cần bổ sung nhiều về cả dinh dưỡng và giáo dục để phát triển toàn diện trước khi chào đời. Lúc này mẹ bầu trở nên nặng nề, khó vận động hơn. Vì thế mẹ có thể thai giáo bằng các bài tập của 3 tháng giữa và chuẩn bị đồ sơ sinh cho bé, chuẩn bị đón con yêu chào đời.
Các phương pháp thai giáo
Phương pháp thai giáo được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung lại được chia làm hai cách:
Thai giáo trực tiếp: là những biện pháp tác động đến thai nhi thông qua các bài tập về ngũ giác của cả mẹ và bé. Nhằm mục đích giúp thai nhi tiếp nhận được sự giáo dục tích cực.
Thai giáo gián tiếp: chỉ các hành động giáo dục thai nhi qua các biện pháp chăm sóc trực tiếp đến cơ thể người mẹ. Giúp cho bé tiếp nhận được mọi hành động, cảm xúc, suy nghĩ của mẹ.
Cách cách thực hành thai giáo cho bé
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi mà các ông bố, bà mẹ áp dụng các bài tập thai giáo khác nhau. Các bài thực hành thai giáo thường được phân loại thông qua các giác quan
Thai giáp thính giác
Ngay từ 4 tuần tuổi, bé đã bắt đầu hình thành cơ quan thính giác và có những cảm nhận âm thanh ban đầu. Đến 8 tuần, tai ngoài của bé bắt đầu xuất hiện nhưng trung khu thần kinh thính giác của thai nhi chưa phát triển hoàn thiện nên vẫn chưa nghe được âm thanh từ thế giới bên ngoài.
Nhưng bắt đầu từ tuần thứ 16, thai như đã bắt đầu hình thành phản xạ lại với những âm thành. Sang tuần 24 – 25, hệ thống truyền âm thanh của tai đã hoàn chỉnh. Để kích thích thính giác của trẻ trong thời gian này, bố mẹ có thể tiến hành các hoạt động sau:
Bố mẹ nói chuyện với con, kể chuyện cho con để giúp hệ thần kinh của con nhạy cảm hơn với ngôn ngữ. Bố mẹ thường xuyên trò chuyện với con cũng mang lại cảm giác quen thuộc, ấm áp, an toàn và gắn kết giữa bố mẹ với thai nhi. Khi chào đời bé cũng sẽ không cảm thấy sợ hãi hay xa lạ với bố mẹ.
Cho con yêu nghe nhạc. Bố mẹ nên chọn các bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, du dương như: nhạc dân ca, nhạc cổ điển, hát ru. Đặc biệt bé rất thích khi nghe mẹ hát, khi chào đời bé cũng ngủ ngoan hơn khi được nghe mẹ hát ru.
Mẹ cần lưu ý điều chỉnh âm thanh nhé! Nếu âm thanh quá lớn, chói và tiết tấu phức tạp sẽ khiến cho thai nhi bị căng thẳng và ảnh hưởng về thính lực sau này.
Thai giáo xúc giác
Thai giáo xúc giác giúp bé cảm nhận sự yêu thương của bố mẹ và tăng khả năng phản ứng của bé. Vì thế các bà mẹ thường được khuyên nên massage bụng bầu khoảng 5 – 10 phút vào buổi sáng và tối.
Thực tế, bé yêu đã có những phản ứng với các kích thích xúc giác từ tháng thứ 2 và bắt đầu tiếp nhận các hành động vuốt ve từ tháng thứ 3.
Để thực hành thai giáo xúc giác, các bà mẹ rất cần sự quan tâm của chồng khi mang thai. Bố mẹ có thể vừa vuốt ve con để con trước khi nói chuyện để con cảm nhận sâu sắc hơn.
Vào 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ muốn kích thích sự nhanh nhẹn của con khi ở trong bào thai có thể thực hiện bằng cách khuyến khích bé chơi trò chơi. Khi thấy con đạp, mẹ hãy chạm vào vị trí mà con yêu đạp lên bụng và khích lên “đạp đi nào con yêu”. Nếu người mẹ nói lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ đạp vào một một điểm trên bụng để được nghe.
Thai giáo vị giác và khứu giác
Mẹ thường nghe nói thói quen ăn uống của mẹ sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị của thai nhi sau này. Điều đó hoàn toàn đúng. Khi trẻ được 2 tháng tuổi thì đã bắt đầu hình thành miệng và mũi. Đến tháng thứ 4, bé có thể phân biệt và cảm nhận khẩu vị của mẹ một cách rõ rệch. Đến tháng 7 thì khứu giác của trẻ đã hoạt động hiệu quả.
Những kinh nghiệm về mùi vị mà thai nhi nhận được trong bụng mẹ sẽ quyết định bé thích mùi vị nào khi lớn lên. Vì thế, mẹ có thể hình thành thói quen ăn uống tốt cho con phát triển thể chất trong bào thai bằng cách nạp vào cơ thể mẹ những món ăn lành mạnh, hợp khẩu vị, giàu dinh dưỡng và bổ sung rau xanh, trái cây. Đồng thời giúp con yêu có sở thích dinh dưỡng lành mạnh sau này.
Để phát triển khứu giác cho con yêu sau này, mẹ cũng nên ngửi những hương thơm của tự nhiên như hoa quả, cây cỏ và mùi của những loại thức ăn ưa thích. Tránh các mùi xà phòng, bột giặt, mùi dầu mỡ để không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Thai giáo thị giác
Các phương pháp thực hành thai giáo bằng ánh sáng để kích thích thị giác của trẻ được bắt đầu từ tháng thứ 4 trở đi. Lúc này bé đã có khả năng cảm thụ ánh sáng. Bố mẹ có thể chơi với con yêu bằng các cách sau:
Mỗi tuần 2 – 3 lần, mỗi lần 3 -5 phút, bố mẹ có thể dùng đèn pin chiếu trực tiếp qua lớp giấy nilong màu vào thành bụng trong vài giây rồi tắt đi. Hãy lặp đi lặp lại hoạt động này vài lần cho đến khi thai nhi quen với ánh sáng. Sau đó để đèn pin lâu hơn chút rồi lại tắt đi. Trong khi chiếu đèn, bố mẹ nói chuyện âu yếm nhẹ nhàng để bé cảm thấy an tâm với việc có ánh sáng chiếu vào.
Chú ý, mẹ không nên thực hành với đèn pin quá tần suất này vò mức độ ánh sàng quá lớn có thể gây tổn hại cho các tế bào mắt non nớt của con. Hoặc để lâu sẽ làm con bị mất ngủ.
Buổi sáng mẹ có thể tắm nắng nhẹ hoặc dưới tán cây. Việc này giúp bé và mẹ thưởng thức không khí trong lành và cảm nhận ánh sáng của thiên nhiên.
Thai giáo cảm xúc
Bên cạnh các phương pháp thai giáo thông qua các giác quan, mẹ cũng có thể thực hành thai giáo cảm xúc của chính mình. Vì cảm xúc tích cực hay tiêu cực của mẹ đều có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tính cách, hành vì và của trẻ sau này. Đặc biệt nếu mẹ thường xuyên căng thẳng, stress, trầm cảm thì con sinh ra có nguy cơ rối loạn hành vi, tăng động, hoặc tự kỷ…. Ngược lại nếu mẹ mang thai vui vẻ, có thái độ tích cực thì con sinh ra cũng rạng rỡ, năng động.
Phương pháp thai giáo theo tinh thần của Phật giáo giúp mẹ bầu an định tinh thần và cảm xúc thư thái bằng cách thiền hành, nghe nhạc Phật giáo, cho con nghe chuyện Phật giáo về nhân quả… Thông qua đó giúp thai nhi tránh các tác động xấu từ cảm xúc của mẹ như: stress, cáu gắt, u uất, sợ hãi… Đồng thời giáo dục con cái có đức tính tốt, ý nghĩ thiện lành thông qua các bài giảng kinh.
Thai giáo vận động
Thai giáo vận động là việc thực hành các hoạt động thể chất nhẹ nhàng một cách hợp lý, phù hợp với thể lực của mỗi mẹ bầu để giúp mẹ duy trì sức khỏe tốt, tăng cường tuần hoàn máu. Thai giáo vận động cũng tác động tích cực tới sự phát triển của đại não và cơ bắp của thai nhi. Mẹ bầu có thể thực hiện trong suốt thai kỳ.
Không chỉ vậy, thai giáo vận động còn giúp mẹ cầu dễ lâm bồn. Khi mẹ bầu vận động, cơ thể sẽ tiết ra loại hormone hạnh phúc, từ đó thai nhi sẽ cảm thấy thoải mái và an toàn trong bụng mẹ. Ngoài ra, việc vận động còn giúp tăng tuần hoàn máu để con yêu nhận được sự trao đổi chất tốt nhất.
Đặc biệt, các mẹ bầu vận động thai giáo cũng giúp trẻ cử động sớm hơn với các bé khác, con yêu cũng cứng cáp, tay chân linh hoạt hơn.
Mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng dưới ánh mặt trời vào buổi sớm, tập yoga (từ tháng thứ 6 -7), bơi lội… Không nên để cơ thể bị quá sức và mệt mỏi. Tuy nhiên với các mẹ có chiều dài cổ tử cung thấp nên hạn chế vận động.